Câu chuyện kinh doanh
9 Bí quyết bắt đầu kinh doanh nhà hàng thành công
Kinh doanh nhà hàng, ẩm thực là lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao vì thế nhiều người chọn tham gia lĩnh vực này. Người Việt yêu ẩm thực, lại thích ăn nhậu nên có thể thấy số lượng nhà hàng, quán ăn liên tục được khai trương khắp nơi. Nhưng để thành công khi kinh doanh ẩm thực không phải dễ dàng. Sau đây xin chia sẻ những kinh nghiệm mở nhà hàng và bí quyết giúp bạn bắt đầu kinh doanh nhà hàng thành công.
Khởi đầu với công việc kinh doanh nhà hàng
Chuẩn bị tốt nhất để bắt đầu mở nhà hàng của riêng bạn là trước tiên hãy làm việc trong cơ sở của người khác. Mặc dù bạn chắc chắn nên đọc sách và tham gia các khóa học về quản lý nhà hàng, bạn cũng nên có kế hoạch làm việc trong một nhà hàng ít nhất vài năm, làm càng nhiều công việc càng tốt. Hãy chú ý đến những người đang làm các công việc khác nhau trong nhà hàng, để bạn có thể hiểu được cách các vị trí khác nhau hoạt động. Hãy coi đây như cách bạn vừa học việc về nhà hàng vừa được trả tiền.
Giả sử bạn đã có kinh nghiệm làm việc trong một cửa hàng McDonald’s không có nghĩa là bạn đã sẵn sàng để mở một nhà hàng ăn uống cao cấp. Bạn cần phải làm việc trong một nhà hàng, tiệm bánh pizza, tiệm bánh mì đồ ăn nhanh hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tương tự như công việc bạn định bắt đầu.
Nói như vậy không có nghĩa là nếu không có kinh nghiệm làm nhà hàng thì bạn không thể làm ông chủ nhà hàng. Nếu bạn có tiền thì có thể thuê người quản lý nhà hàng cho mình. Nhưng một khi có chút ít kinh nghiệm và hiểu cách hoạt động, vận hành của một nhà hàng thì sẽ tăng cơ hội thành công khi bạn kinh doanh hơn.
Xem thêm: 7 bí quyết giúp kinh doanh nhà hàng thành công vượt trội
Tìm thị trường ngách của bạn và tập trung vào nó
Trước khi kinh doanh nhà hàng, bạn nên lập kế hoạch và tìm hiểu, nghiên cứu về thị trường và loại nhà hàng mà bạn định mở. Bạn định kinh doanh loại nhà hàng nào? Nhà hàng món ăn của nước nào?, phân khúc nhà hàng bình dân, trung cấp hay cao cấp, đối tượng khách hàng mục tiêu bạn định phục vụ là ai? Địa điểm bạn định mở nhà hàng? bạn có đối thủ cạnh tranh nào không? kế hoạch sử dụng nguồn vốn đầu tư cho hoạt động, tiếp thị và quảng cáo, doanh thu dự kiến hàng tháng, thời gian hoàn vốn dự kiến.
Bạn có thể chọn kinh doanh nhà hàng theo 1 trong các hình thức cơ bản sau:
- Nhà hàng phục vụ theo suất ăn – Set menu service
- Nhà hàng chọn món – Alacarte
- Loại hình nhà hàng tự phục vụ – Buffet
- Nhà hàng phục vụ đồ ăn nhanh – Fast food
- Nhà hàng cà phê có phục vụ ăn uống – Coffee shop
- Các nhà hàng phục vụ tiệc – Banquet hall
- Nhà hàng cao cấp – Fine dining restaurant
Vì thị trường kinh doanh nhà hàng cạnh tranh rất khốc liệt, để gia tăng cơ hội thành công khi bắt đầu kinh doanh nhà hàng, bạn nên tìm ra một thị trường ngách, mà không có đối thủ cạnh tranh nào nắm giữ hoặc ít đối thủ cạnh tranh. Bạn cần định vị nhà hàng của bạn với menu có các món ăn độc đáo, khác biệt, đồng thời nếu không có nhiều đối thủ cạnh tranh, bạn có thể duy trì mức giá món ăn khá cao, từ đó có được lợi nhuận tốt hơn.
Thử nghiệm và kiểm tra thị trường của bạn
Một số người trước khi bắt đầu mở nhà hàng kinh doanh thì thường thử nghiệm món ăn và thị trường khách hàng của họ. Bạn có thể mời người thân quen, bạn bè đến thử món ăn của bạn miễn phí và cho ý kiến đánh giá. Cách tốt hơn là bạn tiến hành thử nghiệm món ăn trên các nhóm mẫu đại diện cho thị trường bạn định nhắm mục tiêu. (Những người mời thử nghiệm món ăn là các khách hàng mục tiêu của nhà hàng bạn).
Và hãy nhớ rằng nhiều người sẽ khen đồ ăn miễn phí vì họ nghĩ rằng đó là điều lịch sự nên làm. Vì vậy, hãy đặt những câu hỏi để bạn có được thông tin và cảm nhận của khách hàng về món ăn của bạn. Khi mọi người nói rằng họ thích món ăn của bạn thì đó là chưa đủ. Tìm hiểu lý do tại sao họ thích món ăn? nếu có bất cứ điều gì họ không thích? họ muốn thay đổi món ăn ở điểm gì? họ có sẵn sàng bỏ tiền để vào ăn ở nhà hàng của bạn?…
Tham khảo: Kinh doanh nhà hàng cần bao nhiêu vốn là đủ?
Có một địa điểm kinh doanh nhà hàng tốt
Chọn địa điểm kinh doanh là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến sự thành công của nhà hàng. Địa điểm đẹp nhất là nơi thuận tiện cho các khách hàng bạn muốn nhắm tới, và tốt nhất cũng nên gần các khu vực vui chơi giải trí, ăn uống, tạo sự dễ dàng cho khách hàng khi tìm kiếm nhà hàng.
Nếu bạn muốn hướng tới những đối tượng đặc biệt như khách hàng sang trọng, khách hàng nước ngoài…thì nhà hàng của bạn cũng cần đặt ở những vị trí đắc địa, thích hợp với các đối tượng khách hàng đó. Còn nếu bạn định hướng bình dân hơn có thể chọn những vị trí phù hợp, gần các khu dân cư, văn phòng, cao ốc… gần khu vực tập trung khách hàng mục tiêu của bạn. Giá thuê mặt bằng nhà hàng cũng khác nhau tùy theo khu vực địa lý, con đường, mặt tiền hay trong hẻm. Bạn nên chọn địa điểm thuê phù hợp với ngân sách đầu tư của mình.
Trước khi chọn mặt bằng thuê nhà hàng bạn nên dành thời gian khảo sát các nhà hàng ở bán kính gần khu vực bạn định thuê. Các nhà hàng kinh doanh có tốt không? có đông khách không? thói quen của khách hàng ăn uống? khách thường đông vào giờ nào? ngày nào trong tuần? tại sao các nhà hàng đó đông khách?…Nếu khu vực gần địa điểm bạn dự định thuê có nhiều nhà hàng nổi tiếng, lâu đời, kinh doanh món ăn giống bạn và cạnh tranh trực tiếp với bạn thì tốt nhất bạn không nên thuê vì sẽ khó cạnh tranh với những nhà hàng kinh doanh lâu năm như vậy.
Đừng để khách hàng không hài lòng
Nhà hàng là dịch vụ kinh doanh chủ yếu nhằm vào sự hài lòng của khách hàng. Nếu khách hàng không hài lòng về món ăn, về phong cách phục vụ của nhân viên, về mức độ vệ sinh chung, về cách trang trí của nhà hàng … họ có thể sẽ không quay trở lại. Chủ nhà hàng nên áp dụng cách tiếp cận rằng “khách hàng luôn đúng – ngay cả khi họ không đúng”. Nghĩa là ngay cả khi biết quan điểm của khách hàng không hoàn toàn đúng, bạn nên cố gắng hết sức để hiểu và làm những gì cần thiết để khiến họ hài lòng.
Ngay cả những nhà hàng tốt nhất cũng sẽ có những khách hàng không hài lòng. Nếu có ai đó không hài lòng với một món ăn, bạn nên xác định xem vấn đề là do sở thích, khẩu vị cá nhân hay vấn đề với chất lượng món ăn hoặc chuẩn bị món ăn. Cho dù ở trường hợp nào thì bạn cũng nên xin lỗi và đổi món cho khách.
Khi cảm thấy nhà hàng sai, đôi khi một lời xin lỗi là tất cả những gì cần bạn phải làm. Hoặc khi khách hàng có trải nghiệm tồi tệ, hãy xin lỗi bằng cách mời khách một bữa ăn tối miễn phí. Điều quan trọng là bạn cho khách hàng cảm thấy rằng bạn thông cảm với vấn đề của họ và bạn rất chân thành trong việc giải quyết chúng. Khi kinh doanh quán ăn hoặc khởi nghiệp nhà hàng, việc làm khách hàng hài lòng sẽ giữ chân khách hàng quay lại lần sau, điều này rất quan trọng cho sự thành công khi bạn mới bắt đầu kinh doanh nhà hàng.
Giữ khẩu vị món ăn của bạn nhất quán
Khi bạn đã phát triển các công thức nấu ăn mà bạn tin tưởng và bạn biết khách hàng của mình thích thú, hãy nhất quán với chúng. Nghĩa là khi thấy khách hàng đã ưa thích khẩu vị món ăn của bạn thì hãy giữ khẩu vị món ăn của bạn thống nhất theo thời gian, đừng thường xuyên thay đổi công thức nấu ăn. Bạn có thể cảm thấy thú vị khi thêm một loại gia vị khác hoặc thử một cái gì đó mới, nhưng một khách hàng đang mong đợi một món ăn có hương vị theo đúng khẩu vị của nó trong quá khứ, sẽ thất vọng nếu kỳ vọng của họ không được đáp ứng.
Đây là một kinh nghiệm mở nhà hàng mà bạn nên lưu ý. Những quán ăn lâu đời, được nhiều khách quen quay lại ăn uống thường xuyên sau hàng chục năm là do món ăn có công thức gia truyền và vẫn giữ được khẩu vị nguyên bản cho dù qua bao nhiêu năm đi nữa. Khẩu vị món ăn của bạn cũng nên giống nhau cho dù bạn mở nhiều chi nhánh đi nữa, chứ không phải chi nhánh chính thì ngon, còn các chi nhánh mới sau này thì chất lượng món ăn kém. Đó cũng là bài học thất bại của chuỗi Phở 24. Khi mở rộng hệ thống ra nhiều chi nhánh nhượng quyền, các chi nhánh Phở 24 khác nhau cho chất lượng món ăn rất khác nhau, điều này gây thất vọng cho nhiều thực khách và khiến họ không quay lại.
Lắng nghe khách hàng của bạn.
Khách hàng rất vui khi cho bạn biết họ muốn gì, vì vậy hãy cho họ cơ hội để cung cấp phản hồi. Sử dụng phiếu nhận xét, hòm thư góp ý trong nhà hàng của bạn, hệ thống phản hồi trên trang web, số điện thoại và trang Facebook của bạn hoặc bất kỳ cách nào khác mà bạn có thể nghĩ ra để thu thập phản hồi từ khách hàng của mình. Có thể qua hệ thống phản hồi, bạn được khách hàng góp ý về chất lượng món ăn, bổ sung các món mới vào menu, cải thiện phong cách phục vụ, vệ sinh thực phẩm…từ đó giúp bạn cải thiện hoạt động của nhà hàng tốt hơn.
Nhưng hãy nhớ rằng bạn sẽ không thể đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Cố gắng đáp ứng mọi mong muốn của khách hàng có thể khiến bạn tốn nhiều nguồn lực, tiền bạc và không thể quản lý được nhà hàng. Hãy thay đổi theo những góp ý nào của khách hàng mà bạn thấy hợp lý và trong khả năng thực hiện được. Ví dụ như có nhiều khách hàng yêu cầu một số món ăn nhất định, hãy chắc chắn rằng số đông nhiều khách muốn món ăn đó và việc cung cấp món ăn mới sẽ khiến bạn có lãi.
Xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp của bạn.
Khi bắt đầu kinh doanh nhà hàng việc mua các nguyên vật liệu, thực phẩm tươi sống, hải sản … có chất lượng và cung cấp đúng thời điểm rất quan trọng. Hãy tạo mối liên kết với các nhà cung cấp của bạn để khi bạn gặp khó khăn, họ sẵn sàng làm điều gì đó để giúp bạn. Hãy trung thành với họ, không đưa ra các yêu cầu vô lý, thanh toán hóa đơn đúng hạn và tôn trọng mọi người trong đội ngũ nhân viên của họ – kể cả tài xế giao hàng.
Các nhà cung cấp chính là dòng máu nuôi sống bạn. Hãy thương lượng với họ để có chính sách thanh toán tốt, trả chậm, gối đầu, ưu đãi giảm giá, ưu tiên thời gian cung cấp hàng …Có được nhà cung cấp nguyên liệu chất lượng tốt, bạn sẽ có thể phục vụ các món ăn tươi ngon nhất.
Kế hoạch thoát ra
Ngoài lập kế hoạch khởi động kinh doanh nhà hàng ở bước đầu tiên, bạn cần có một kế hoạch thoát ra. Nghĩa là bạn có kế hoạch và lường trước được nếu việc kinh doanh nhà hàng thất bại, bạn bị thua lỗ hoặc muốn nghỉ hưu thì kết thúc việc kinh doanh như thế nào?
Ví dụ, nếu bạn phải đóng cửa hoạt động nhà hàng vì thiếu vốn kinh doanh, vắng khách … bạn sẽ xử lý quy trình đó như thế nào? Hoặc, nếu nhà hàng của bạn thành công vang dội, bạn có muốn nhận được lời đề nghị bán lại nhà hàng cho một người nào đó không? Khi thành công bạn có muốn nhượng quyền kinh doanh không? Nếu bạn 40 tuổi khi bắt đầu kinh doanh nhà hàng của mình, liệu bạn có muốn tiếp tục điều hành nó 25 năm sau không?
Mặc dù bạn không bao giờ biết chắc nhà hàng của mình sẽ hoạt động như thế nào cho đến khi nó đi vào hoạt động, nhưng hãy hy vọng vào điều tốt nhất, đồng thời chuẩn bị cho bất cứ điều gì rủi ro có thể xảy ra. Bạn không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng nếu bạn bắt đầu với niềm đam mê, nhiệt huyết, lên kế hoạch và chú ý đến từng chi tiết, bạn có thể thấy mình đang sống với ước mơ thành công trong ngành dịch vụ ăn uống và kinh doanh nhà hàng.
GoSELL chúc bạn thành công với ước mơ khởi nghiệp và kinh doanh nhà hàng của bạn.