Digital Marketing
Inbound marketing – Xu hướng tiếp thị hiện đại cho doanh nghiệp
Bất kỳ một doanh nghiệp nào khi triển khai một chiến dịch marketing đều mong muốn mang lại hiệu quả chuyển đổi. Và Inbound marketing chính là xu hướng tiếp thị được đánh giá là đem đến sự chuyển đổi tốt nhất. Tại sao vậy? Bài viết này cùng GoACADEMY làm rõ về hình thức tiếp thị này.
1. Inbound marketing là gì?
Trước khi giải thích khái niệm, chúng tôi muốn đưa ra một ví dụ. Khi đi trên đường, hẳn bạn đã rất nhiều lần gặp các banner quảng cáo xe được đặt ở các giao lộ. Những tấm biển quảng cáo này thu hút được rất nhiều người. Nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ đạt được mục đích là tăng độ nhận diện thương hiệu.
Vâng, hình thức tiếp thị kể trên… không phải là Inbound marketing, mà là Outbound marketing. Vậy, Inbound được thể hiện như thế nào? Cũng là marketing về xe, nhưng thay vì chi một số tiền lớn để đặt banner, Inbound sẽ xây dựng các nội dung chuyên sâu về sản phẩm và đăng trên website. Sau đó, sử dụng kỹ thuật SEO để bài viết đạt được thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm.
Dựa vào ví dụ kể trên có thể thấy sự khác biệt giữa hai hình thức marketing. Nếu Outbound marketing hướng đến việc nhận diện thương hiệu, càng nhiều người biết đến doanh nghiệp càng tốt; thì tiếp thị hướng nội lại tập trung vào việc xây dựng nội dung hướng đến khách hàng tiềm năng, những người thật sự có nhu cầu với sản phẩm của mình. Tất nhiên, Inbound marketing không chỉ là việc SEO các bài viết mà chúng tôi đã dùng làm ví dụ kể trên.
Vậy, bạn có thể hiểu một cách đơn giản rằng, Inbound marketing là hình thức tiếp thị tập trung vào nhóm khách hàng tiềm năng thông qua việc cung cấp nội dung hữu ích về sản phẩm. Nội dung tiếp thị hướng đến việc mang lại tỷ lệ chuyển đổi từ nhóm khách hàng thực sự có nhu cầu về sản phẩm của doanh nghiệp.
2. Các đặc trưng của hình thức tiếp thị hướng nội
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về hình thức tiếp thị này, dưới đây chúng tôi sẽ chỉ ra các đặc trưng của nó.
Inbound marketing dựa trên nhu cầu của người dùng
Như đã nói, tiếp thị hướng nội tập trung vào nhóm khách hàng tiềm năng. Đây là những đối tượng ít nhiều có sự quan tâm đến sản phẩm từ trước. Quay lại ví dụ được đưa ra ở trên. Nếu như banner đặt ở các giao lộ khiến ai đi ngang cũng trông thấy, thì các bài viết trên website sẽ chỉ tiếp cận đến người dùng Internet khi họ tìm kiếm các từ khóa liên quan.
Có thể thấy, đặc trưng của Inbound marketing là tiếp thị dựa trên nhu cầu của người dùng. Nó khác với hình thức quảng cáo mang tính spam như thông thường. Chẳng hạn: thay vì chi tiền chạy các quảng cáo chen ngang vào những video người dùng Internet đang xem, các doanh nghiệp sẽ đăng tải các video lên kênh Youtube của họ. Khách hàng khi có nhu cầu tìm hiểu sẽ tự tìm đến để xem.
Xem thêm: Lợi ích của SEO tác động tới doanh số và thương hiệu của doanh nghiệp
Nội dung Inbound marketing chuyên sâu
Điểm khác biệt giữa một banner đặt ngoài trời và một bài viết website là gì? Banner chỉ thể hiện được hình ảnh sản phẩm. Trong khi đó, bài viết mang đến nội dung chuyên sâu hơn về sản phẩm. Một bài viết về xe máy sẽ cung cấp đầy đủ thông số kỹ thuật, ưu nhược điểm, các đánh giá liên quan. Một bài viết về thực phẩm chức năng sẽ làm rõ nguồn gốc, thành phần, công dụng, cách sử dụng…
Nhiệm vụ của doanh nghiệp triển khai Inbound marketing là xây dựng các nội dung thật sự hữu ích, có tính chuyên sâu về sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của khách hàng.
Đặc trưng về kênh triển khai
Ứng với mục đích tiếp thị, Inbound marketing sẽ lựa chọn những kênh triển khai phù hợp như SEO, Email marketing, Social Media… Nó khác với Outbound marketing, thường tiếp thị thông qua banner, tivi, telesale…
Chỉ cần nhìn qua các hình thức kể trên là bạn đã có thể thấy sự khác biệt. Các cuộc gọi telesale mang tính “đại trà”, spam. Nhân viên sẽ gọi đến hàng trăm số điện thoại khi không có nhiều thông tin về họ, hy vọng tìm thấy một vài người có nhu cầu quan tâm đến sản phẩm. Ngược lại, Email marketing là hình thức tiếp thị có chọn lọc. Các email chỉ được gửi đến nhóm khách hàng thân thiết, khách hàng thành viên, hoàn toàn không phải là spam.
3. Các giai đoạn triển khai của Inbound marketing
Với những nội dung được cung cấp kể trên phần nào giúp bạn hiểu hơn về tiếp thị hướng nội. Vậy doanh nghiệp khi muốn triển khai hình thức này cần thực hiện như thế nào? Về cơ bản, hình thức tiếp thị này sẽ được thực hiện qua 3 giai đoạn: Thu hút – tiếp cận – làm hài lòng.
Giai đoạn Attract – Thu hút
Khoan nghĩ rằng “thu hút” là tiếp cận càng nhiều người càng tốt. Cần phải bám sát đối tượng mà Inbound marketing hướng đến là khách hàng tiềm năng. Hãy “xuất hiện khi họ cần” và cung cấp các thông tin có giá trị. Giai đoạn này được thực hiện thông qua các hoạt động như:
- Content marketing: ngoài những nội dung cơ bản về sản phẩm, cần xây dựng các nội dung chuyên sâu, hữu ích để “làm giàu” cho website, blog của doanh nghiệp.
- SEO: các nội dung được đăng tải cần được tối ưu kỹ thuật SEO để có thể cải thiện thứ hạng trên các công cụ tìm kiếm. Khi đứng đầu, bài viết của doanh nghiệp sẽ có sự thu hút cao đối với người tìm kiếm.
- Google Ads: Ban đầu, hình thức tìm kiếm có trả tiền được cho là thuộc Outbound marketing. Tuy nhiên, hiện nay, nó đã được xếp vào Inbound marketing, cùng với SEO sẽ thu hút khách hàng tiềm năng hiệu quả.
- Social Media: Các phương tiện truyền thông xã hội là một kênh để tiếp thị hướng nội hiệu quả. Nó không những dùng để khách hàng theo dõi doanh nghiệp mà còn giúp tăng lượng truy cập đến website thông qua các bài viết đính kèm link.
Giai đoạn Engage – Tiếp cận
Sau khi thu hút được khách hàng, doanh nghiệp cần chuyển sang giai đoạn tiếp cận, tương tác với họ để tạo ra cơ hội chuyển đổi. Cụ thể, khi khách hàng đã truy cập vào website, bạn cần sử dụng các công cụ khác để thu thập thông tin khách hàng. Các công cụ hữu ích có thể dụng trong giai đoạn này nên là Landing Page, biểu mẫu, Call to Action (CTA)…
Liên tưởng một chút thì hai giai đoạn kể trên giống như việc tán tỉnh vậy. Khách hàng là một cô gái kiêu kỳ, doanh nghiệp là chàng trai, sau khi tạo được sự thu hút cần chủ động tiếp cận và xin thông tin (số điện thoại, địa chỉ, mạng xã hội…).
Giai đoạn Delight – Làm hài lòng
Tiếp nối hai giai đoạn kể trên, sau khi đã có được thông tin khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sự tương tác để đạt mục đích cuối cùng là chốt sale thành công. Việc “làm hài lòng” có thể được thực hiện bằng các phương pháp như:
- Gọi điện tư vấn trực tiếp: với những khách hàng để lại thông tin liên hệ ít nhiều họ có sự quan tâm đến sản phẩm. Bạn cần liên hệ để tư vấn, thuyết phục họ mua. Việc gọi điện này hoàn toàn khác so với telesale dựa trên data mua từ bên thứ ba.
- Cung cấp các chương trình khuyến mãi: Các chương trình này sẽ giúp doanh nghiệp bán được hàng nhiều hơn. Đặc biệt đến từ người tiêu dùng đã từng sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp.
- Email marketing: Một hình thức chăm sóc khách hàng không thể bỏ qua. Để làm hài lòng người tiêu dùng, email marketing cần được “cá nhân hóa” khiến khách hàng cảm thấy email đó dành riêng cho họ chứ không phải một lá thư được spam bừa bãi.
Trên đây, chúng tôi vừa làm rõ về các vấn đề liên quan đến Inbound marketing. Các doanh nghiệp có thể cân nhắc triển khai hình thức tiếp thị này để khai thác tối đa hiệu quả nguồn khách hàng tiềm năng của mình. Theo dõi GoACADEMY để đón đọc thêm những nội dung bổ ích khác nữa nhé.
>>> Xem thêm:
AI Marketing là gì? Tất tần tật về AI Marketing cho người mới bắt đầu
Mô hình Affiliate Marketing là gì? Bạn đã biết gì về hoạt động của mô hình?